Book review: MOYO, D. (2009). Dead aid: why aid is not working and how there is a better way for Africa. New York, Farrar, Straus and Giroux.
Trong 50 năm qua, các nước giàu đã viện trợ hơn một nghìn tỷ đô cho châu Phi nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của châu lục này. Số tiền viện trợ lớn như vậy có khiến đời sống của người dân châu Phi thật sự được cải thiện? Thật đáng tiếc câu trả lời là KHÔNG. Thậm chí, đời sống của những người được nhận viện trợ còn tệ hơn rất nhiều.
Trong cuốn sách “Viện trợ chết- Vì sao các chương trình viện trợ phát triển không có hiệu quả ở châu Phi”, nhà kinh tế Dambisa Moyo không những cho ta thấy thực trạng các chính sách phát triển ở Châu Phi hiện nay mà còn không ngần ngại phê phán một trong những “thành quả” vĩ đại mà các nước giàu thường vỗ ngực tự hào: hàng tỉ đô la viện trợ từ các nước phát triển đã giúp giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng các quốc gia châu Phi.
Tuy nhiên, Moyo chỉ ra rằng trên thực tế, tình trạng nghèo đói ở châu Phi tiếp tục leo thang trong khi tỷ lệ tăng trưởng liên tục giảm – hàng triệu người tiếp tục phải sống trong nghèo nàn lạc hậu.
Thông qua việc so sánh các quốc gia châu Phi đã từ chối nhận viện trợ và đang trên đà phát triển với các quốc gia khác phụ thuộc vào tiền viện trợ và liên miên chìm trong đói nghèo, Moyo đã làm sáng tỏ một sự thật rằng đổ hàng tỷ đô la tiền viện trợ vào châu Phi đã khiến nhiều quốc gia châu Phi rơi vào một cái bẫy đáng sợ: phụ thuộc quá mức vào viện trợ nước ngoài, tham nhũng tràn lan, biến dạng thị trường và trầm trọng hoá tình trạng đói nghèo.
Không chỉ thằng thắn chỉ ra những sai lầm của mô hình viện trợ quốc tế hiện nay, cuốn sách còn đề xuất một lộ trình mới táo bạo cho các chương trình hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển cho các quốc gia nghèo nhất thế giới- một lộ trình đảm bảo tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo đáng kể mà không khiến các quốc gia này phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
-Ngọc Thảo-