Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu
Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trỗi dậy sau sự sụp đổ gây ra bởi đại dịch, nhưng phục hồi được dự báo sẽ chậm lại. Sản lượng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng 4% vào năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 5% so với dự báo trước đại dịch. Hơn nữa, có rủi ro đáng kể gây cản trở trong việc ngăn chặn đại dịch hoặc các diễn biến bất lợi khác làm chệch hướng sự hồi phục. Tăng trưởng ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) được dự đoán sẽ ổn định ở mức 5% vào năm 2021, nhưng sản lượng của khối EMDE cũng dự kiến sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo trước đại dịch. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những rủi ro liên quan đến làn sóng tích lũy nợ toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ. Mức nợ đã đánh dấu một cột mốc cao trong lịch sử, khiến nền kinh tế toàn cầu đặc biệt dễ bị tổn thương do căng thẳng trên thị trường tài chính. Đại dịch dường như đang làm chậm lại tăng trưởng của thập kỷ tới so với mức tăng trưởng đã được dự đoán trước đó, làm suy giảm triển vọng xóa đói giảm nghèo. Triển vọng toàn cầu có nhiều bất ổn càng làm nổi bật vai trò của các nhà hoạch định chính sách trong việc đạt được kết quả tăng trưởng tốt hơn trong khi tránh những viễn cảnh tồi tệ hơn. Hạn chế sự lây lan của vi rút, cung cấp cứu trợ cho những nhóm dễ bị tổn thương và vượt qua những thách thức liên quan đến vắc xin là những mục tiêu ưu tiên quan trọng trước mắt. “Với tình hình tài khóa yếu kém đang hạn chế nghiêm trọng các biện pháp hỗ trợ của các chính phủ trên thế giới, cần nhấn mạnh tham vọng cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng” Hợp tác toàn cầu đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết những thách thức này. Đặc biệt, cộng đồng thế giới cần phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để đảm bảo làn sóng nợ đang diễn ra không dẫn đến kết cục là một chuỗi khủng hoảng nợ trong khối EMDE, như trường hợp của những làn sóng tích lũy nợ trước đây.
Mời các bạn đọc tiếp tại (Tiếng Anh) Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu
DỊch: Đạt Bùi
Hiệu đính: Bảo
Ref: World Bank. (2021). Global Economic Prospects, January 2021.