Mountains Beyond Mountains:  The Quest of Dr. Paul Farmer, a Man Who Would Cure the World
Tác giả: Tracy Kidder
Năm xuất bản: 2003

Cuốn sách với 5 phần tái hiện lại cuộc sống sự nghiệp của bác sĩ Paul Farmer – một cái tên “ai cũng biết là ai” trong lĩnh vực Y Tế Cộng Đồng. Ông là nhà nhân chủng học và là một bác sĩ trưởng thành từ đại học Harvard và cũng là người giữ chức Chủ nhiệm Khoa Y Tế và Sức Khỏe Cộng Đồng tại ngôi trường này. Farmer cũng là đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận “Partners In Health”, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực hiện các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách cho những người bệnh sống trong nghèo đói. Với nhiều giải thưởng và bằng khen, cùng vai trò là một cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc, bác sỹ Farmer là một tên tuổi biểu trưng cho những đóng góp không ngừng nghỉ để cải thiện sức khỏe, đấu tranh cho sự sống ở những nơi mà chúng ta đôi khi “không muốn nghĩ đến vì bất lực”.

Cuốn sách Mountains Beyond Mountains được mở đầu bởi khung cảnh buổi chiều hoàng hôn, đáng ra rất đẹp, nhưng lại bao trùm bởi khuôn mặt của những đứa trẻ suy dinh dưỡng, hay những bàn tay chìa ra của những cụ già lom khom. Giữa Haiti vào khoảng 20 đến 30 năm trước, đất nước nghèo khó nhất nằm ở nửa Tây bán cầu, hoành hành bởi đói nghèo và dịch bệnh, điển hình là HIV và lao phổi, bệnh viện của bác sĩ Famer như 1 ốc đảo xanh thiên đường chăm lo gần như miễn phí cho một triệu bệnh nhân. Tác giả, cũng là nhà báo kỳ cựu Kidder theo chân bác sỹ Farmer khi ông làm việc tại bệnh viện ở Haiti từ sáng tới tối khuya, từ lúc bác sỹ bắt đầu ngày làm việc bằng việc đi khắp khu bệnh viện nằm giữa những quả đồi để theo dõi bệnh nhân và tới nửa đêm lại chong đèn viết hồ sơ xin các quỹ trợ cấp và chuẩn bị các bài phát biểu. Kidder cũng rong ruổi cùng bác sỹ Farmer tới các chuyến đi tới Cuba, Mỹ Latinh và Nga.

Khi đối mặt với những vùng đói nghèo và dịch bệnh cùng cực, với những vấn đề tưởng chừng quá vĩ mô đến bất lực, ngay cả những bác sỹ tận tuỵ nhất chọn khuất mắt trông coi, Farmer chọn một mình xây dựng nguyên một bệnh viện ở đó, một thành cổ đáng yêu mang tên Zanmi Lasante. Farmer thậm chí không thể ngủ vì nghĩ tới những bệnh nhân chưa được chữa trị.
“…even the most caring doctors from abroad would ultimately return home, turning their back on the suffering that would not abate.”

Người khác nghĩ ông đang hi sinh sự nghiệp bản thân để chữa trị miễn phí cho người dân Haiti, ông tâm sự với Kidder rằng đó cũng là cách ông đối mặt với sự day dứt. Là một bác sỹ, “ông cảm thấy tội lỗi về việc bán dịch vụ của mình ở một thế giới, nơi mà người ta không thể chi trả”, và nghĩ rằng chúng ta đều “nên cảm thấy day dứt vì điều đó”
“I feel ambivalent about selling my services in a world where some can’t buy them. You can feel ambivalent about that, because you should feel ambivalent.”

Từ ngòi bút của Kidder, bác sỹ Farmer hiện lên như một nhân chứng của sự tận tụy, hi sinh, và đầy tâm huyết khi ông tự mang trong mình nghĩa vụ của bác sỹ cho người nghèo. Từng chương sách cũng dẫn dắt người đọc tới những vấn đề khác trong phát triển, khi là vấn đề về sự hiệu quả trong dự án sức khỏe cộng đồng, cũng có lúc lại là những dự án xây dựng con đập phục vụ sản xuất công nghiệp mang áo choàng phát triển của nước giàu, nhưng đằng sau lại là sự thờ ơ trả giá bằng cuộc sống và sinh kế của người nông dân nghèo sống vùng thượng nguồn. Sự kết hợp giữa ngành nhân chủng học và y tế của bác sĩ Farmer cũng mang tới những thảo luận thú vị về mối quan hệ của các thành tố xã hội và sự hiệu quả trong y tế cộng đồng, điển hình là vai trò của niềm tin tôn giáo ảnh hưởng tới hiệu quả chữa trị.

Tóm lại, đây là một cuốn sách mang theo câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp kịch tính, thú vị, đầy cảm hứng của một con người làm phát triển thực thụ. Có lẽ, đâu đó trong cuốn sách, bạn đọc cũng sẽ được truyền cảm hứng để dấn thân? Câu nói tôi khiến tôi rung động nhất trong cuốn sách của bác sỹ Farmer là “giáo dục y khoa không tồn tại để cung cấp cho sinh viên chiếc cần câu cơm, mà là để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.