David Henley. (2015). Asia-Africa Development Divergence: A Question of Intent. Zed Books.
Châu Á – Châu Phi: Hai lục địa, cùng một xuất phát điểm, hai ngã rẽ.

Sau khi giành giải phóng dân tộc từ chế độ thực dân, vào những năm 1960s, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á thậm chí còn nghèo hơn các quốc gia ở Tiểu vùng Saharan châu Phi. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 50 năm phát triển, Đông Nam Á đã vượt bậc hơn cả tiểu vùng Saharan châu Phi về mọi mặt, kinh tế, xã hội, chính trị, đạt được các chỉ tiêu về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, sức khỏe cộng đồng, etc. Những người dân ở tiểu vùng Saharan, trong khi đó, ‘vẫn nghèo’ không khá hơn cách đây 50 năm là mấy.

Trong cuốn sách của mình, Asia–Africa Development Divergence: A Question of Intent, tác giả David Henly lý giải sự thành công của các nước ĐNÁ dựa trên ba yếu tố căn bản: sự ổn định kinh tế vĩ mô, tự do kinh tế, và chi tiêu công cho người nghèo (bao gồm phát triển nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông thôn). Trong ba yếu tố trên, chi tiêu công cho người nghèo là quan trọng nhất. Henley cho rằng các lợi ích kinh tế nếu không có chính sách tái phân phối phù hợp cho người nghèo thì sẽ không mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó mấu chốt là phát triển các chương trình nông thôn mà tập trung vào nguồn lương thực, thực phẩm.

Lấy bối cảnh Việt Nam những năm 1986, từ một trong năm nước nghèo nhất thế giới (1990), Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới. Bằng việc cải cách kinh tế, đổi mới nông nghiệp (mà khởi nguồn là Khoán Mười), Việt Nam đã lấy nông nghiệp làm đòn bẩy, tạo nguồn lao động thặng dư, đảm bảo an ninh lương thực, và tích lũy vốn để phát triển công nghiệp, và dịch vụ. Điều này cũng đi liền với mô hình chính sách xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa (export-oriented industrialisation) để giải thích cho sự phát triển thần kỳ của các con hổ châu Á giai đoạn trên (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc).

Các nước châu Phi, trong khi đó, theo đuổi mô hình công nghiệp và văn hóa phương Tây (mà đã chứng minh hoàn toàn thất bại, kể cả việc áp dụng hình thức dân chủ do World Bank và IMF áp đặt như điều kiện khi nhận các gói cứu trợ). Nông nghiệp ở châu Phi không được chú trọng phát triển, và đến tận ngày nay, đa số các nước đều vẫn phải nhập khẩu lương thực. Sự phụ thuộc vào các gói cứu trợ, không có nền kinh tế trụ cột, quản trị Nhà nước kém, xung đột – mâu thuẫn sắc tộc, lợi ích, là những nguyên nhân chính làm trì hoãn sự phát triển của các quốc gia này.

Bằng việc so sánh mô hình ba cặp quốc gia: Nigeria – Indonesia, Kenya – Malaysia, Tanzania – Việt Nam có đặc điểm kinh tế – chính trị – xã hội tương đồng, Henley đã làm sáng rõ luận điểm trên. Cùng với đó là câu hỏi định hướng cho các nước châu Phi, Liệu việc áp dụng chính sách phát triển nông thôn như các nước châu Á có là giải pháp cho các nước châu Phi, khi mà hơn phân nửa số dân cư vẫn sống dưới 1.09$ một ngày?

Mời các bạn đọc thêm cuốn sách tại đây: Châu Á – Châu Phi: Hai lục địa, cùng một xuất phát điểm, hai ngã rẽ

-Ngọc Thảo-