Sản xuất bởi nghèo khó. Cái giá đích thực của thời trang

Một nghiên cứu đột phá do Oxfam thực hiện đã phơi bày sự thật không thể chối cãi đằng sau những bộ quần áo được bày bán trong các cửa hàng trên khắp nước Úc: người lao động đang bị mắc kẹt trong vòng quay đói nghèo, bất kể họ làm việc chăm chỉ đến đâu. Nghiên cứu này – cuộc điều tra chuyên sâu đầu tiên về cuộc sống của những người lao động trong chuỗi cung ứng của các thương hiệu Úc – đã tiết lộ không chỉ những câu chuyện cá nhân đau lòng, mà còn là sự thất bại mang tính hệ thống trong việc đảm bảo mức lương cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Oxfam, cùng với Viện Nghiên cứu Lao động Bangladesh và Viện Công nhân và Công đoàn tại Việt Nam, đã phỏng vấn hơn 470 công nhân trên khắp Bangladesh và Việt Nam cho nghiên cứu này. Tất cả họ đều là một phần của chuỗi cung ứng quần áo của Úc tại thời điểm phỏng vấn, được làm việc trong các nhà máy may mặc cung cấp ít nhất một thương hiệu quần áo mang tính biểu tượng của Úc.8 Cuộc điều tra cũng bao gồm hơn 130 cuộc phỏng vấn với các chủ nhà máy, quản lý, lãnh đạo công đoàn và các nhóm tập trung để trình bày một bức tranh rõ ràng về cách thức hoạt động của ngành thời trang trong chuỗi cung ứng hàng may mặc của Úc. 9 Kết quả là bức tranh toàn cảnh đầu tiên về cuộc sống của những người làm công việc đưa thời trang lên kệ hàng của Úc, từ hai quốc gia tìm nguồn cung ứng chính: Bangladesh và Việt Nam. Các bằng chứng rất đáng lo ngại. Không chỉ hầu hết những người lao động chúng tôi phỏng vấn đều có mức lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu; mà họ còn đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình của họ. Họ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, sống trong điều kiện tồi tàn và không đủ khả năng chi trả dịch vụ sức khỏe hoặc giáo dục mà họ và gia đình họ cần. Những người lao động ở Bangladesh kể những câu chuyện về việc phải nghỉ học sớm hoặc bắt con cái bỏ học để đưa chúng làm việc trong lĩnh vực may mặc nhằm mang lại nhiều tiền hơn – chỉ để trang trải những nhu cầu thiết yếu. Ở Việt Nam, mức lương tương đối cao hơn cho thấy tình hình có vẻ ít khắc nghiệt hơn. Cuộc điều tra này cho thấy những vấn đề do lương nghèo trong ngành may mặc không phải là những sự cố cá biệt. Chúng không thể được sửa chữa bằng hành động chỉ trong một nhà máy hoặc bằng cách giải quyết những khó khăn của chỉ một công nhân. Chỉ có cam kết mạnh mẽ trên toàn hệ thống từ các thương hiệu Úc với khả năng thay đổi thực tiễn của họ mới có thể xoay chuyển tình thế. 

Mời các bạn đọc tiếp tại (Tiếng Anh): Made in poverty The true price of fashion

Biên dịch: Trang Nguyễn

Hiệu đính: Hiếu & Bảo

Ref: Emran, S. N., Kyriacou, J., & Rogan, S. (2019). Made in Poverty the True Price of Fashion. Oxfam Australia.