Tác giả: ALEX DEWAAL, 24 Tháng Năm, 2022

Vừa qua, Liên Hợp Quốc ra thông báo về một kế hoạch nhằm chấm dứt và ngăn chặn nạn đói trên thế giới. Nếu những biện pháp này được triển khai, có thể làm giảm giá thực phẩm toàn cầu. Tuy nhiên vẫn sẽ khó chấm dứt nạn đói hiện tại bằng những biện pháp này, khi mà hầu hết nạn đói xảy ra là do hậu quả tất yếu của chiến tranh.

Giải quyết nạn đói do chính con người gây ra cần sự can đảm chính trị , tuy nhiên tổng thư ký Liên Hợp Quốc lại cho thấy điều ngược lại.

Ở mức thấp kỷ lục 5 năm trước, tuy nhiên, số lượng người trên thế giới đối mặt với nạn đói đang tăng rất nhanh. Hạn hán và lũ lụt diễn biến cực đoan do biến đổi khí hậu cũng là một phần nguyên nhân. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm gia tăng nghèo đói diện rộng. Hiện nay, vấn đề cấp bách nhất là sự đứt gãy nguồn cung lúa mỳ và dầu ăn toàn cầu do cuộc tấn công xâm lược của Nga vào Ucraina và sắp tới là sự thiếu hụt phân bón khi mà 2 trong số 3 nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới là Nga và Belarus phải chịu lệnh trừng phạt.

Trong bối cảnh chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng, chi phí hoạt động của Chương trình Lương thực Thế giới đã tăng hơn 40% so với năm ngoái.  Ngoại trừ Ucraina, tất cả các  chương trình đều bị thiếu kinh phí nghiêm trọng.

Vào trung tuần tháng 5/2022, các nhà lãnh đạo thế giới đã gặp mặt ở New York nhằm thảo luận những biện pháp cấp bách để cứu vãn chuỗi cung ứng lương thực “mong manh” của thế giới. Tổng thư ký Guterres đã xác định “5 giải pháp cấp bách để giải quyết khủng hoảng ngắn hạn và ngăn chặn thảm họa dài hạn”. Bốn giải pháp đầu tiên là tăng nguồn cung thực phẩm và phân bón, cải tiến và cung cấp tài chính cho hệ thống an sinh xã hội. Đối với giải pháp thứ năm, các hoạt động nhân đạo phải được tài trợ đầy đủ để ngăn chặn và giảm nạn đói.

Tất cả 5 giải pháp đều quan trọng, nhưng rõ ràng vẫn còn một sự thiếu sót. Sau khi quan sát thấy “những con số rất đáng lo ngại” về cuộc khủng hoảng lương thực “có liên quan chặt chẽ với xung đột”, ông Gutarres vẫn không đề cập đến thủ phạm .

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, 9 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ nạn đói trung bình và cao trong năm 2022. Hai quốc gia ở Châu Á là Afghanistan và Yemen. Bảy quốc gia còn lại ở Châu Phi là: Ethiopia, Nam Sudan, Somalia, Nigeria, Cộng hòa dân chủ Congo, Madagascar và nước Tây Phi Sahel. Đa phần nguyên nhân gây ra nạn đói hàng loạt chính là xung đột vũ trang. Chỉ trừ Madagascar và một vài quốc gia khu vực Sahelian là ở trạng thái hòa bình. Ở nhiều khu vực – đáng chú ý là vùng Tigray của Ethiopia, Nam Sudan và Yemen – nạn đói còn là một chiến lược chiến tranh có chủ ý.

Cần phải nhấn mạnh rằng, cố gắng cung cấp nhiều lương thực hơn với giá rẻ hơn cũng không có ý nghĩa gì khi mà các nhà lãnh đạo chiến tranh đang tìm cách phá hủy kho lương thực, ngăn cản nông dân trồng trọt và ngăn chặn cứu trợ nhân đạo.

Điều này không có gì mới. Cuộc bao vây gây ra nạn đói là một chiến thuật chiến tranh lâu đời như chiến tranh La Mã ở Carthage. Nhưng trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã cho rằng điều này là không thể chấp nhận được.

Bốn năm trước, vào ngày 24/05/2018, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết số 2417 về xung đột vũ trang và nạn đói. Đây là một nghị quyết quan trọng, khẳng định rằng “việc gây ra nạn đói đối với dân thường như là một vũ khí chiến tranh sẽ cấu thành tội phạm chiến tranh” và yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo Hội đồng Bảo an ngay khi xuất hiện xung đột vũ trang đe dọa làm mất an ninh lương thực diện rộng”.

Khi đọc bài phát biểu tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 18/05, ông Guterees cũng đồng tình với Nghị quyết 2417 nhưng bằng những thuật ngữ rất mơ hồ. Theo ông, điều quan trọng là chấm dứt chiến tranh tại Ucraina. Ông cũng không viện dẫn Nghị quyết để nêu tên thủ phạm gây ra nạn đói .

Xuyên suốt 4 năm qua, Hội đồng Bảo an được mong đợi cần phải thảo luận với hơn một chục quốc gia nơi chiến tranh đang đe dọa đến khủng hoảng lương thực. Mặc dù các hướng dẫn báo cáo theo Nghị quyết 2417 đã được thảo luận tại các Ủy ban, với sự đi đầu của nước Anh trong vấn đề này, vẫn không có một cuộc tranh luận chính thức nào được diễn ra, cũng như có rất ít hành động được thực hiện. Ireland đã có nhiều cuộc vận động hành lang để đưa vấn đề nạn đói do con người gây ra ở vùng Tigray của Ethiopia ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an, nhưng những nỗ lực đó không nhận được đủ sự ủng hộ để đưa ra một tuyên bố, chưa kể đến một giải pháp chung.

Với quyền phủ quyết, Nga có thể ngăn chặn mọi Nghị quyết mà nước này không đồng thuận. Tuy nhiên, nước này không thể ngăn cản Tổng thư ký, hay các thành viên Hội đồng Bảo an giữ lập trường về nguyên tắc và luật pháp. Năm 2019, các bên tham gia Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế đã thông qua một sửa đổi tuyệt đối nghiêm cấm tội ác chiến tranh gây ra nạn đói trong các cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế. Một năm sau đó, Chương trình Lương thực Thế giới WFP đã đạt giải Nobel hòa bình vì những nỗ lực này.

Nga đã bỏ phiếu thuận cho Nghị quyết 2417, mặc dù đại sứ Nga cho rằng nạn đói nên là vấn đề về thuộc về chính sách nông nghiệp và phúc lợi chứ không nên được coi là mối nguy đối với an ninh và hòa bình. Đáng buồn thay, hiện nay quan điểm của Nga cho rằng lương thực và nạn đói chỉ là vấn đề chính sách kinh tế và xã hội lại đang thắng thế.

Liên quan đến thủ phạm gây ra nạn đói, sự im lặng của ông Guterres vào tuần trước không chỉ là một thiếu sót, mà còn là một sự che đậy. Ông ám chỉ nạn đói do con người gây ra có thể được ngăn chặn bằng các biện pháp hành chính và chính sách kinh tế, bằng cách đó ông chuyển hướng sự chú ý dành cho vấn đề tội ác gây ra nạn đói, và cho phép những người gây ra tội ác này yên tâm rằng họ sẽ không bị quy kết trách nhiệm.

Năm biện pháp của Liên Hợp Quốc có thể cứu giúp hàng triệu người nghèo đói, nhưng cũng khó có thể tin tưởng rằng tổ chức này sẽ chấm dứt được nạn đói hiện nay.

Mời các bạn đọc thêm tại (Tiếng Anh) How Not to End Mass Starvation

Biên dịch: Anh Tú

Hiệu đính: Bảo