Để trả lời câu hỏi, “nghiên cứu phát triển là gì?” cần trả lời câu hỏi “phát triển là gì?” Trong cuốn sách Phát triển và Tự do của Amartya Sen, phát triển nên được định nghĩa là một quá trình nâng cao quyền tự do của cá nhân thay vì nhấn mạnh vào lợi ích kinh tế hoặc tiến bộ công nghệ. Ông cho rằng việc tăng thu nhập cá nhân hoặc thúc đẩy phát triển công nghệ ở một quốc gia phải liên quan đến việc nâng cao mức sống cho mọi công dân. Nói cách khác, sự giàu có chỉ quan trọng trong chừng mực nó khuyến khích hạnh phúc hơn. Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng của phát triển là xóa bỏ tất cả các hình thức không tự do (ví dụ, nghèo đói, thiếu thốn xã hội, xã hội không khoan dung) và tăng cường các quyền tự do thực chất cho tất cả mọi người trong toàn xã hội, mang lại cho những cá nhân này một cuộc sống chất lượng có ý nghĩa. Sen đưa ra năm loại tự do có mỗi liên hệ chặt chẽ với nhau: tự do chính trị, tự do kinh tế, cơ hội xã hội, minh bạch và an toàn. Ông tin rằng, tự do của mỗi cá nhân sẽ thúc đẩy sự phát triển xã hội. Những gì mỗi cá nhân có thể đạt được (ông gọi đó là “năng lực” cá nhân) bị tác động mạnh mẽ bởi các cơ hội kinh tế, tự do chính trị, quyền lực xã hội và các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi sự phát triển cá nhân như sức khỏe tốt, trình độ giáo dục cơ bản, và việc được khuyến khích đưa ra các sáng kiến.
Trong cách tiếp cận của Sen, phát triển được xem như một khái niệm đa chiều. Bằng cách nhấn mạnh các yếu tố phi kinh tế hơn là các yếu tố kinh tế, trọng tâm của ông chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng” để hướng tới một xã hội công bằng và bình đẳng hơn. Ông cho rằng việc sử dụng GDP không thể phản ánh chính xác sự phát triển của một quốc gia bởi vì nó chỉ đơn thuần là đo lường quy mô nền kinh tế của quốc gia đó. Bản thân GDP chưa phản ánh được sự phân phối thu nhập, đồng thời bỏ qua những tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đối với toàn xã hội. Do đó, các khía cạnh khác của cuộc sống nên được đề cập để đo lường chất lượng cuộc sống của một quốc gia, ví dụ như tuổi thọ, tỷ lệ biết chữ, các chỉ số liên quan đến bất bình đẳng và môi trường. Mặc dù cách tiếp cận của ông khá toàn diện và có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia, nhưng có một số hạn chế do ông thiếu cân nhắc các yếu tố lịch sử hoặc quốc tế khi phân tích một số vấn đề phát triển cũng như không kết nối được các vấn đề này với nhau. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Sen đã được đề xuất hơn hai mươi năm trước, một số vấn đề có thể không đúng trong bối cảnh hiện tại. Hơn nữa, có thể khá khó để định lượng các khái niệm phi kinh tế của ông, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Bắt đầu từ năm 2016, thế giới bước vào một hành trình mới – phát triển bền vững, sau khi kết thúc Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (2000-2015). Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết không bỏ lại ai phía sau và chia sẻ quan điểm toàn cầu rằng tất cả các nước, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển đều có chung thách thức và gánh nặng phải thực hiện để làm cho thế giới phát triển bền vững hơn. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thế giới vẫn phải đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nghèo đói, dân số, nhân quyền và bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cải cách thể chế, xung đột trong quá trình phát triển. Trong bối cảnh khi trở thành nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp (2011), vốn đầu tư nước ngoài hỗ trợ các chương trình phát triển ngày càng hạn chế, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề phát triển và và tình hình còn nghiêm trọng hơn trong một số lĩnh vực như đô thị hóa, nghèo đói, bất bình đẳng giới hoặc biến đổi khí hậu. Do đó, “nghiên cứu phát triển” là được coi là chìa khóa để hiểu và giải quyết những vấn đề này, tạo ra và huy động các nghiên cứu vượt qua ranh giới ngành, lĩnh vực và quốc gia trong khi vẫn bám sát vào cuộc sống hàng ngày của mọi người. Các nghiên cứu phát triển đã tập trung vào nhiều chủ đề; từ tăng trưởng kinh tế đến thay đổi môi trường, xung đột đến di cư, nghèo đói đến bất bình đẳng giới, sức khỏe cộng đồng đến khả năng chống chịu với khí hậu, và quản trị đến sinh kế nông nghiệp. Nó không chỉ tìm cách hiểu vấn đề; mà còn để thay đổi nó cho tốt hơn, tạo ra một thế giới an toàn hơn, lành mạnh hơn cho tất cả mọi người, với sự phân bổ của cải và điều kiện xã hội bình đẳng hơn.
Nghiên cứu phát triển là liên ngành, đôi khi được gọi là xuyên ngành, trong đó nghiên cứu và kiến thức được đồng xây dựng với các bên phi học thuật như các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành, các phong trào xã hội, các doanh nghiệp hoặc các tổ chức cộng đồng, nhằm nâng cao mức độ phù hợp và năng lực tạo ra sự khác biệt; và nó là tính bao trùm; cho dù thông qua quan hệ đối tác, tập đoàn, phương pháp tiếp cận hay phương pháp, các nghiên cứu phát triển đều chú ý đến tiếng nói và quan điểm của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Không có điều nào là dễ dàng, và thực tiễn của nghiên cứu phát triển, cũng như phạm vi và lĩnh vực trọng tâm của nó, không ngừng phát triển. Điều này làm cho nghiên cứu phát triển trở thành một lĩnh vực không ngừng thử thách cũng như thú vị, đấu tranh với những vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta.
Sự nghiệp trong ngành phát triển không dành cho những ai muốn làm giàu! Về bản chất, công việc liên quan đến cân bằng giữa sự giàu có và đi công tác trong quá trình làm việc. Có nhiều loại công việc khác nhau dành cho sinh viên tốt nghiệp ở các tổ chức nào quan tâm đến các nghiên cứu phát triển. Họ có thể làm việc cho các tổ chức quốc tế/phi lợi nhuận (Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ), các doanh nghiệp xã hội hoặc làm việc như một nhà nghiên cứu, trợ lý dự án, cán bộ dự án, điều phối viên, Giám sát và Đánh giá, Lập trình, Gây quỹ, v.v.
“Development is about transforming the lives of people, not just transforming economies.” (Joseph Stiglitz)
Người viết: Bảo Nguyễn và Thảo Đỗ