Báo cáo Phát triển Bền vững 2019
Báo cáo Phát triển Bền vững 2019 đưa ra bảy kết luận chính:
- Cam kết chính trị cao nhất cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) không đạt được kết quả như mong đợi. Tháng 9 năm 2019, nguyên thủ các nước sẽ gặp mặt trực tiếp tại LHQ ở New York để đánh giá tiến độ thực hiện những cam kết trong 4 năm sau khi Chương trình nghị sự 2030 được thông qua. Tuy nhiên, các phân tích chuyên sâu cho thấy nhiều quốc gia đã không thực hiện các bước then chốt để đạt được SDGs. Trong số 43 quốc gia được khảo sát về nỗ lực thực hiện SDGs, bao gồm tất cả các quốc gia trong nhóm G20 và các quốc gia có dân số nhiều hơn 100 triệu người, 33 quốc gia đã thông qua SDGs trong các tuyên bố chính thức kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Tuy nhiên, chỉ có 18 quốc gia trong số đó có các số liệu về ngân sách chính phủ có đề cập đến SDGs. Cần phải rút ngắn khoảng cách giữa thời gian tuyên bố và thực hiện hành động.
- SDGs có thể được chia thành 6 nhóm chính như sau:
- Giáo dục, Giới tính và Bất bình đẳng;
- Sức khỏe, Hạnh phúc và Nhân khẩu học;
- Phi các-bon và Công nghiệp bền vững;
- Thực phẩm, Đất, Nước, Đại dương bền vững;
- Thành phố và Đô thị bền vững;
- Cuộc cách mạng kỹ thuật số cho phát triển bền vững.
Những chuyển đổi này tôn trọng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các SDGs và có thể được thực hiện bởi các cơ quan của Chính phủ phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Chúng phải được củng cố và hướng dẫn bởi các nguyên tắc Không để ai phía sau, Tính tuần hoàn và Tách rời việc sử dụng tài nguyên khỏi phúc lợi của con người.
- Khí hậu (SDG 13) và đa dạng sinh học (SDG 14 và SDG 15) đang ở mức đáng báo động. Trung bình, các quốc gia đạt điểm thấp nhất ở SDG 13 (Hành động vì khí hậu), SDG 14 (Môi trường sống dưới nước) và SDG 15 (Môi trường sống trên cạn). Không quốc gia nào đạt được “xếp hạng xanh” (đồng nghĩa với SDG đã đạt được) liên quan đến SDG 14 (Môi trường sống dưới nước). Phát thải khí nhà kính ngày càng đe dọa các loài động thực vật. Những phát hiện này phù hợp với các báo cáo gần đây của IPCC và IPBES về giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
- Sử dụng đất bền vững và chế độ ăn lành mạnh đòi hỏi sự thống nhất giữa nông nghiệp, khí hậu và sức khỏe và chính sách can thiệp. Việc sử dụng đất và sản xuất lương thực không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nông nghiệp phá hủy rừng và đa dạng sinh học, lãng phí nước và thải ra ¼ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Tổng cộng, 78% các quốc gia trên thế giới có dữ liệu được “xếp hạng đỏ” (đồng nghĩa với thách thức lớn của SDG) về quản lý nitơ bền vững; số lượng xếp hạng “đỏ” cao nhất trên tất cả các chỉ số có trong báo cáo. Đồng thời, 1/3 lương thực bị lãng phí, 800 triệu người vẫn thiếu ăn, 2 tỷ người thiếu chất dinh dưỡng và tình trạng béo phì đang gia tăng. Các chỉ số mới về mức độ dinh dưỡng của các quốc gia và sự thu hẹp chênh lệch năng suất làm nổi bật chiều sâu của thách thức. Sự chuyển đổi sang sử dụng đất và hệ thống lương thực bền vững đòi hỏi phải cân bằng hiệu quả giữa nông nghiệp và lâm nghiệp và có khả năng chống chịu với bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học cũng như chế độ ăn lành mạnh.
- Các quốc gia có thu nhập cao tạo ra tác động lan tỏa về môi trường và kinh tế – xã hội. Việc thực hiện SDGs trong nước không được làm suy giảm khả năng đạt được các mục tiêu của các quốc gia khác. Nhu cầu quốc tế về dầu cọ và các mặt hàng khác làm gia tăng phá rừng nhiệt đới. Các thiên đường thuế và bí mật ngân hàng làm suy yếu khả năng của các quốc gia khác trong việc nâng cao nguồn thu công cần thiết để tài trợ cho các SDG. Các tiêu chuẩn lao động kém trong chuỗi cung ứng quốc tế gây hại cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ ở nhiều nước đang phát triển. Bằng chứng mới được đưa ra trong báo cáo này cho thấy các quốc gia có thu nhập cao tạo ra các tác động tiêu cực đến tai nạn gây chết người tại nơi làm việc, điển hình là do nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ có tiêu chuẩn và điều kiện lao động kém từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
- Quyền con người và quyền tự do ngôn luận đang bị đe dọa ở nhiều quốc gia. Theo SDG 16 (Hòa bình, Công lý và Các thể chế vững mạnh), các thể chế công bằng và văn minh được công nhận là mục tiêu tự thân nhưng cũng là đòn bẩy quan trọng cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục dẫn đến sự đảo ngược trong tiến trình SDG. Chế độ nô lệ hiện đại và tỷ lệ những người bị giam giữ mà không bị kết án trong tù vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp. Xu hướng tham nhũng và tự do báo chí đang trở nên tồi tệ hơn ở hơn 50 quốc gia được đề cập trong báo cáo – bao gồm cả ở một số quốc gia có thu nhập trung bình và cao.
- Xoá nghèo và thúc đẩy sự công bằng vẫn là những ưu tiên chính sách quan trọng. Xoá đói nghèo cùng cực vẫn là một thách thức toàn cầu với một nửa số quốc gia trên thế giới chưa đạt được mục tiêu SDG 1 (Không còn nghèo đói). Cần có thêm dữ liệu kịp thời để cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp chính sách. Ở các nước thu nhập trung bình và cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và khoảng cách dai dẳng trong tiếp cận dịch vụ và cơ hội theo thu nhập hoặc khu vực lãnh thổ vẫn là những vấn đề chính sách quan trọng. Phụ nữ ở các nước trong nhóm OECD tiếp tục dành nhiều hơn nam giới trung bình 2 giờ mỗi ngày để làm công việc không được trả lương.
Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc thêm (Tiếng Anh) tại: Báo cáo Phát triển Bền vững 2019
Biên dịch: Hiền Lê
Hiệu đính: Gia Linh & Bảo
Ref: Sachs, J., Schmidt-Traub, G., Kroll, C., Lafortune, G., & Fuller, G. (2019). Sustainable development report 2019. Bertelsmann Stiftung and Sustainable Development Solutions Network (SDSN): New York, NY, USA, 2.